Lịch sử Bạch Xà truyện

Hình tượng ba nhân vật chính trong Kinh kịch Bạch Xà truyện. Từ trái sang phải: Hứa Tiên, Bạch Nương Tử, Tiểu Thanh

Do Bạch Xà truyện ban đầu chủ yếu được truyền miệng trong dân gian nên phát sinh nhiều dị bản và tình tiết không giống nhau. Có bản đến chuyện Bạch Tố Trinh bị nhốt vào tháp Lôi Phong là kết thúc, có bản thêm tình tiết Bạch Xà sinh con, lại có bản thêm chuyện con của Bạch Xà thi đỗ trạng nguyên, tế tháp cứu mẹ thành kết cục đại đoàn viên. Tuy nhiên, các tình tiết cơ bản của câu chuyện thường được cho là đã hoàn chỉnh vào thời Nam Tống.

Dưới thời Đường, đã có chuyện truyền kỳ kể về quan hệ giữa rắn hóa thành người và con người. Đến thời Tống mới xuất hiện chuyện xà tinh và người kết hôn.

Điều đáng chú ý là trong các bản kể đầu tiên, Tiểu Thanh không phải do Thanh Xà biến thành mà là do Thanh Ngư biến thành. Sau này mới cải biên thành Bạch Linh XàThanh Trúc Xà ở núi Nga My tu luyện thành tiên đến Tây Hồ du ngoạn rồi gặp gỡ Hứa Tiên. Điều này trong Song ngư phiến trụy, Bạch Nương Tử vĩnh trấn Lôi Phong tháp có miêu tả rõ ràng. Nhân vật Hứa Tiên ban đầu là Hứa Tuyên, sau này mới dần dần được đổi thành Hứa Tiên.

Bạch Xà truyện được tìm thấy sớm nhất trong tác phẩm Cảnh thế thông ngôn của Phùng Mộng Long, quyển 28: Bạch Nương Tử vĩnh trấn Lôi Phong tháp. Tác phẩm Lôi Phong tháp (xem Sơn Các bản) của Hoàng Đồ Tất đầu thời Thanh là bản chỉnh lý sớm nhất các hý khúc được sáng tác và lưu truyền, trong bản này chỉ kể đến đoạn Bạch Xà bị trấn áp trong tháp Lôi Phong, không có tình tiết sinh con tế tháp. Sau này lại xuất hiện Lê Viên cựu sao bản (khả năng là cha con Trần Gia Ngôn sáng tác, hiện bản còn lưu giữ được không đầy đủ), là văn bản được lưu truyền rộng rãi, có thêm tình tiết Bạch Xà sinh con.

Vào thời Càn Long, Phương Thành Bồi cải biên thành Lôi Phong tháp truyền kỳ (Thủy Trúc Cư bản) bao gồm 34 màn, bao gồm 4 quyển: quyển 1 từ Sơ sơn, Thu Thanh đến Chu ngộ, Đính minh; quyển 2 là Đoan Dương, Cầu thảo; quyển 3 là Yết thiện, Thủy môn; quyển 4 từ Đoạn Kiều đến Tế tháp là hết. Các tình tiết chủ yếu của Bạch Xà truyện đến đây có thể nói là cơ bản hoàn thành. Bản kịch này được dâng lên vua Càn Long khi tuần du Giang Nam, do đó có đóng dấu ngự lãm của Càn Long, làm cho tất cả các tầng lớp trong xã hội không ai không biết đến Bạch Xà truyện. Sau này vào năm Gia Khánh thứ 11, Ngọc Sơn chủ nhân lại xuất bản bộ tiểu thuyết trung thiên Lôi Phong tháp kỳ truyện, năm Gia Khánh thứ 14 lại xuất bản đàn từ Nghĩa yêu truyện. Đến đây, hình tượng xà tinh đã hoàn toàn thay đổi: từ một yêu quái chỉ đơn thuần mê hoặc con người trở thành một người con gái có tình có nghĩa.

Từ giữa thời Thanh về sau, Bạch Xà truyện là vở kịch thường xuyên được công diễn, xem trong Cúc bộ quần anh vào thời Đồng Trị thì đương thời diễn xuất Bạch Xà truyện là Kinh kịch lẫn với Côn khúc nhưng vẫn lấy Côn khúc làm chủ yếu, đồng thời có thể nhận thấy thời đại xảy ra tình tiết tế tháp trong Bạch Xà truyện là khá muộn.

Hiện nay, Bạch Xà truyện được chuyển thể thành bộ phim truyền hình Đài Loan Tân Bạch Nương Tử truyền kỳ, cơ bản dựa theo các tình tiết có sẵn và bổ sung thêm một số nội dung. Ngoài ra, còn có tiểu thuyết Thanh Xà của nữ tác giả Hồng Kông Lý Bích Hoa được sáng tác dựa theo Bạch Xà truyện, sau đó được đạo diễn nổi tiếng Hồng Kông Từ Khắc đưa lên màn ảnh. Đoàn ca kịch Minh Hoa Viên của Đài Loan thường biểu diễn Bạch Xà truyện ngoài trời vào trước sau Tết Đoan ngọ, nội dung câu chuyện không được cải biên nhiều, nhưng thiết kế sân khấu có nhiều đột phá so với truyền thống, trong đoạn nước ngập chùa Kim Sơn huy động cả xe phun nước của đội cứu hỏa, lại còn thiết kế dây cáp để tạo cảm giác Bạch Xà và Thanh Xà đằng vân giá vụ. Ngoài ra, tác phẩm này còn được Hãng phim hoạt hình Toei của Nhật Bản cải biên thành bộ phim hoạt hình mang tên Bạch Xà truyện (phát hành năm 1958), là bộ phim hoạt hình màu đầu tiên của Nhật, đánh dấu một cột mốc trong lịch sử phim hoạt hình Nhật Bản (đáng chú ý là bộ phim căn cứ theo nguyên bản: Tiểu Thanh là thanh ngư, không phải thanh xà).

Qua gần một ngàn năm hình thành và phát triển của Bạch Xà truyện, ngoài việc làm phong phú thêm các tình tiết, tính cách nhân vật cũng dần dần được thay đổi và phát triển.